Chốt đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng 7,2% từ ngày 1-1-2026

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu, chốt đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng ở mức tăng 7,2% từ ngày 1-1-2026.

Sáng 11-7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, Hội đồng đã họp phiên thứ hai để trao đổi về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2026.

Chốt đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng 7,2% từ ngày 1-1-2026- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, nói về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Bảo Hân

Trao đổi với báo chí ngay sau khi phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương 1uốc gia kết thúc vào trưa 11-7, ông Nguyễn Mạnh Khương - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho biết tất cả thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia có mặt tại phiên họp đã bỏ phiếu chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 2026 là 7,2%, thời gian áp dụng từ 1-1-2026.

"Mức tăng và thời điểm tăng trên rất phù hợp với giai đoạn hiện nay trong việc phát triển kinh tế của đất nước, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" - Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Trước đó, tại phiên thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia (diễn ra vào ngày 26-6), các bên liên quan vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về mức đề xuất lương tối thiểu vùng.

Tại phiên thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Đó là phương án tăng 9,2% và 8,3%.

Cùng với 2 mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ phía đại diện người lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - cho biết mức đề xuất điều chỉnh từ 3% đến 5%.

Bên cạnh đó, Bộ phận kỹ thuật của hội đồng cũng đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng từ 6,5% đến 7%.

Tăng lương tối thiểu vùng không phải là gánh nặng

Theo đại diện lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, mà còn tạo ra động lực quan trọng để người lao động nâng cao năng suất, tinh thần trách nhiệm và ý thức đổi mới, sáng tạo. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất lao động.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định tăng lương tối thiểu vùng không phải là gánh nặng, mà là cách để tạo động lực phát triển cho cả người lao động lẫn doanh nghiệp. Khi người lao động có thu nhập tốt hơn, họ sẽ yên tâm cống hiến, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từ đó tạo ra giá trị gia tăng, bù đắp chi phí và góp phần tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế.