Theo chỉ thị của Chính phủ, từ tháng 7/2026, mô tô, xe máy sử dụng xăng dầu sẽ bị cấm vào khu vực đường Vành đai 1 Hà Nội. Thông tin này thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận, bởi xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, trong khi Vành đai 1 là tuyến giao thông trọng yếu của Thủ đô, đi qua nhiều khu vực có mật độ phương tiện cao như Trần Khát Chân, Nguyễn Khoái, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Ô Chợ Dừa, Đê La Thành và Hoàng Cầu.
Theo các chuyên gia, việc cấm xe máy chạy xăng là giải pháp cần thiết nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng, việc cấm xe máy chạy xăng sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực tới đời sống người dân. Thời gian từ nay đến 1/7/2026 chỉ còn gần 1 năm, Hà Nội phải khẩn trương hành động và có một lộ trình được thiết kế bài bản cùng hàng loạt giải pháp về pháp lý, hạ tầng...
Sáng 14/7, trả lời Báo Điện tử VTC News về việc triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở và thành phố "đang nghiên cứu". Theo vị lãnh đạo Sở, do nội dung rộng, liên quan nhiều lĩnh vực nên việc cấm xe máy chạy xăng dầu cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng.

Theo lộ trình Thủ tướng yêu cầu, từ tháng 7/2026, xe máy chạy xăng sẽ không được phép chạy trong khu vực Vành đai 1 Hà Nội.
Trên thực tế, Hà Nội đã lên kế hoạch cấm xe máy và triển khai vùng phát thải thấp từ năm 2017, khi HĐND thành phố thông qua nghị quyết liên quan. Song, do thiếu đồng bộ về chính sách và hạ tầng, việc thực hiện vẫn còn gián đoạn.
Ngày 12/12/2024, HĐND TP Hà Nội tiếp tục thông qua Nghị quyết về vùng phát thải thấp, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó, xe tải hạng nặng chạy dầu diesel, ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe máy không đạt tiêu chuẩn mức 2 sẽ bị hạn chế hoặc cấm lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Hà Nội dự kiến thí điểm vùng phát thải thấp tại khu vực Hoàn Kiếm, Ba Đình trong giai đoạn 2025-2030. Sau đó mở rộng, tiến tới đến năm 2036, toàn bộ vùng có ô nhiễm không khí vượt quy chuẩn quốc gia bắt buộc phải áp dụng vùng phát thải thấp.
Hồi tháng 6/2025, tại buổi làm việc với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) về các giải pháp cho vấn đề chuyển đổi xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho rằng, vấn đề xe máy có nhiều góc độ để nhìn nhận. Tuy nhiên, một đô thị không thể phát triển hiện đại và văn minh nếu không có môi trường và văn hóa tốt.
"Hiện nay, sự phát triển xe máy có thể là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của các đô thị", ông Trần Sỹ Thanh chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hà Nội, các đô thị lớn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề do xe máy mang lại, mặc dù nó cũng mang lại tiện lợi cho người dân. Việc sử dụng xe máy là một nét văn hóa của Việt Nam, vì thế, việc chuyển đổi xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch cần có lộ trình.
“Tuy nhiên, nếu không quyết tâm thì không biết khi nào Hà Nội mới phát triển đô thị văn minh, sạch đẹp được như các thành phố lớn của Nhật Bản cũng như các nước trên thế giới”, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Trước đó, tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội hồi tháng 12/2024, ông Trần Sỹ Thanh cho hay, thành phố sẽ có chương trình đổi xe, hỗ trợ đổi xe, cấp vốn vay, để cơ bản người dân trong vùng phát thải thấp đi xe điện, không đi xe máy nữa.
"Tôi sẽ có kế hoạch để làm việc với các công ty sản xuất xe; Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm vì đây là trách nhiệm chung", người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội nhấn mạnh.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, đến hết năm 2024, Hà Nội có trên 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động trên địa bàn (chưa bao gồm xe của cơ quan trung ương). Trong đó, thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu ô tô và trên 6,9 triệu xe máy, khoảng 1,2 triệu ô tô, xe máy cá nhân từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn.
Phương tiện tại Hà Nội tăng 4-5%/năm, nhanh gấp 11-17 lần tốc độ mở rộng đường. Ô tô cá nhân tăng khoảng 10%/năm, vượt hơn 30 lần tốc độ gia tăng quỹ đất giao thông. Hoạt động giao thông, với lượng phương tiện chạy bằng xăng dầu lớn, là một trong 5 nguồn gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường Vành đai 1 sau khi hoàn thành sẽ khép kín khu vực nội đô, vùng lõi của Thủ đô.
Các tuyến đường, phố này gồm Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái.
Vành đai 1 chạy qua địa bàn các quận cũ ở Hà Nội như Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Vành đai này cũng là trục chính đô thị kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội với tổng chiều dài 7,2km.
Theo quy hoạch, Hà Nội có 7 đường vành đai, trong đó Vành đai 4 đang thi công và Vành đai 5 chưa hình thành. Trong 5 tuyến vành đai còn lại gồm Vành đai 1, 2, 2,5, 3, 3,5, có Vành đai 3 đã hoàn thiện, còn lại đều đang xây dựng hoặc chờ dự án.