Đồng hành cùng doanh nghiệp kiến tạo tương lai

Việc xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công bằng, minh bạch chính là "Chìa khóa vàng" để Đông Anh hiện thực hóa khát vọng phát triển.

Đông Anh – cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội đang từng bước khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng kinh tế năng động, với nhiều dự án hạ tầng chiến lược, khu công nghiệp hiện đại và tiềm năng đô thị hóa nhanh chóng. 

Là huyện ngoại thành nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, huyện Đông Anh đã vươn mình mạnh mẽ trở thành đơn vị có thu ngân sách cao nhất Thành phố.

Đồng hành cùng doanh nghiệp kiến tạo tương lai- Ảnh 1.

Đông Anh đã vươn mình mạnh mẽ trở thành đơn vị có thu ngân sách cao nhất Thành phố.

Trong quá trình phát triển đó, đội ngũ doanh nhân và các doanh nghiệp có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển quê hương Đông Anh.

Đồng hành cùng doanh nghiệp kiến tạo tương lai- Ảnh 2.

Hội nghị gặp mặt, biểu dương doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu huyện Đông Anh.

Hiện nay, trong bảng xếp hạng VNR500, Đông Anh có 5/500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam là Tập đoàn Thành Công; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hà Anh; Công ty cổ phần MIZA; Công ty cổ phần khóa Việt Tiệp và Công ty cổ phần LICOGI. Nhiều doanh nghiệp tiêu biểu, doanh nhân xuất sắc đã được Đảng, Nhà nước và Thành phố tôn vinh, biểu dương.

Đồng hành cùng doanh nghiệp kiến tạo tương lai- Ảnh 3.

Lễ công bố quyết định chủ trương đầu tư và trao giấy chứng nhận đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, Thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, nhờ sở hữu vị trí đắc địa cùng quỹ đất rộng lớn, hạ tầng giao thông hiện đại và chính sách ưu đãi hấp dẫn, Đông Anh cũng đang trở thành "thỏi nam châm" thu hút các dự án FDI quy mô lớn. Các khu công nghiệp (KCN) như: Khu công nghiệp Đông Anh, khu công nghiệp Thăng Long II - Hà Nội, khu công nghiệp Thăng Long... đang nhanh chóng được lấp đầy bởi các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

Đồng hành cùng doanh nghiệp kiến tạo tương lai- Ảnh 4.

Khu công nghiệp Thăng Long thuộc xã Võng La và xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Ảnh: Hữu Thắng).

Trong đó, khu công nghiệp Thăng Long II với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 700 triệu USD, thu hút các "ông lớn" như Sumitomo (Nhật Bản) và Dongshin Vina (Hàn Quốc). Khu công nghiệp Thăng Long tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ USD, quy tụ những tên tuổi hàng đầu như Canon, Panasonic (Nhật Bản) và Orion (Hàn Quốc). Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội, được đầu tư bởi Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Sumitomo (Nhật Bản) với số vốn "khủng" 4,138 tỷ USD.

Dòng vốn FDI "rót" mạnh vào Đông Anh là tín hiệu tích cực, là cơ hội để Đông Anh bứt phá, trở thành trung tâm kinh tế - xã hội mới của Hà Nội.

Đồng hành cùng doanh nghiệp kiến tạo tương lai- Ảnh 5.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn phát triển, ông Hoàng Hải Đăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, Đông Anh đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách và giải pháp, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.

"Công tác cải cách hành chính luôn được cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật", ông Đăng nói.

Đồng hành cùng doanh nghiệp kiến tạo tương lai- Ảnh 6.

Ông Hoàng Hải Đăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh.

Theo đó, Đông Anh tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, số hóa hồ sơ... Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng phục vụ góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Sức sống làng nghề ở Đông AnhBốn bảo vật quốc gia của đất Đông Anh

Song song với đó, huyện tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, đất đai, nguồn nhân lực; thúc đẩy chương trình OCOP gắn với tiềm năng địa phương, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Huyện cũng phát triển các tour du lịch gắn với làng nghề, di tích lịch sử và tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm góp phần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và mở rộng kênh phân phối hàng Việt.

"Những chính sách và giải pháp này đã góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững tại Đông Anh", ông Đăng nhấn mạnh.

Đồng hành cùng doanh nghiệp kiến tạo tương lai- Ảnh 7.

Tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trên địa bàn.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trên địa bàn, ông Hoàng Hải Đăng cho biết, Đông Anh tiếp tục triển khai đồng bộ một số giải pháp như: Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số trong giải quyết hồ sơ, rút ngắn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua liên kết với các trường đại học, cao đẳng nghề, hỗ trợ đào tạo và nâng cao tay nghề cho lao động địa phương...

Cộng đồng doanh nghiệp tại Đông Anh không chỉ là lực lượng sản xuất, kinh doanh chủ lực, mà còn là đối tác đồng hành tin cậy của chính quyền trong quá trình phát triển bền vững. Việc xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công bằng, minh bạch chính là "chìa khóa vàng" để Đông Anh hiện thực hóa khát vọng trở thành đô thị vệ tinh hiện đại, trung tâm kinh tế – công nghiệp - dịch vụ phía Bắc Thủ đô.