EU cảnh báo gắt nếu Mỹ áp thuế lên hàng hóa châu Âu

Liên minh châu Âu ngày 12-7 tuyên bố sẵn sàng đáp trả để bảo vệ lợi ích của khối này nếu Mỹ áp thuế 30% đối với hàng hóa châu Âu từ ngày 1-8.

Đòn tấn công mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây bất ngờ cho Liên minh châu Âu (EU) - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. EU trước đó hy vọng tránh được một cuộc chiến thương mại leo thang sau các cuộc đàm phán căng thẳng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 12-7 nhấn mạnh khối này sẵn sàng tiếp tục nỗ lực hướng tới một thỏa thuận trước ngày 1-8, nhưng vẫn kiên định lập trường.

Đề cập đến kịch bản áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào châu Âu, bà nói: "Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo vệ lợi ích của EU, bao gồm áp dụng các biện pháp đáp trả tương xứng nếu cần thiết".

Các đại sứ EU sẽ thảo luận các bước tiếp theo vào ngày 13-7, trước khi các bộ trưởng thương mại họp bất thường tại thủ đô Brussels - Bỉ ngày 14-7. Họ sẽ cần quyết định xem có nên áp thuế đối với 21 tỉ euro hàng nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa việc Mỹ áp thuế riêng đối với thép và nhôm, hay gia hạn lệnh hoãn áp thuế kéo dài đến hết ngày 14-7.

Cho đến nay, EU đã chuẩn bị sẵn hai gói thuế có thể đánh vào tổng giá trị hàng hóa của Mỹ là 93 tỉ euro.

EU cảnh báo gắt nếu Mỹ áp thuế lên hàng hóa châu Âu- Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: Tân Hoa xã

Lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu nhanh chóng ủng hộ lập trường của bà von der Leyen.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Katherina Reiche kêu gọi một "giải pháp thực tế" cho các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ. Bà Katherina Reiche nghĩ rằng mức thuế mà ông Donald Trump đề xuất "sẽ tác động mạnh đến các công ty xuất khẩu châu Âu. Đồng thời, cũng sẽ có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và người tiêu dùng ở bên kia Đại Tây Dương".

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên X rằng Ủy ban châu Âu cần khẳng định quyết tâm trong việc bảo vệ lợi ích của châu Âu một cách kiên quyết.

EU cảnh báo gắt nếu Mỹ áp thuế lên hàng hóa châu Âu

Ông Macron lưu ý các biện pháp trả đũa có thể cần bao gồm cái gọi là các "công cụ chống cưỡng chế" nếu ông Donald Trump không nhượng bộ. Công cụ chống cưỡng chế là một cơ chế cho phép EU đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại và đầu tư đối với bất kỳ quốc gia nào dùng thương mại như thứ vũ khí gây sức ép chính trị.

Tương tự, Bộ Kinh tế Tây Ban Nha ủng hộ các cuộc đàm phán tiếp theo song nói thêm rằng Tây Ban Nha và các nước khác trong EU sẵn sàng thực hiện "các biện pháp đối phó tương xứng nếu cần thiết".

Tổng thống Mỹ đã nhiều lần chỉ trích Liên minh châu Âu. Điều khiến ông bất bình nhất là Mỹ ghi nhận mức thâm hụt thương mại hàng hóa với EU lên tới 235,6 tỉ USD vào năm 2024.

EU cũng không ít lần chỉ ra thặng dư thương mại của Mỹ trong lĩnh vực dịch vụ và lập luận rằng thặng dư này có thể bù đắp một phần cho sự mất cân bằng thương mại tổng thể giữa hai bên.