Gặp EVN, một doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lời mời đột phá: Trung Quốc, Ấn Độ đã tiên phong sử dụng

Nếu thành hiện thực, giải pháp mới này sẽ mang lại nhiều lợi ích đến với người dân.
Gặp EVN, một doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lời mời đột phá: Trung Quốc, Ấn Độ đã tiên phong sử dụng

Ngày 7/7, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Karpowership (Thổ Nhĩ Kỳ) do ông Dogan Karadeniz - Thành viên Hội đồng quản trị - làm trưởng đoàn. Karpowership đã giới thiệu mô hình tàu phát điện nổi sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), được đánh giá là giải pháp có tính cạnh tranh cao về chi phí đầu tư.

Karpowership xác định Việt Nam là thị trường ưu tiên hàng đầu tại khu vực châu Á do nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn phát triển năng động hiện nay. Đại diện Karpowership bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững với EVN, đảm bảo hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp, ngành Điện và người dân Việt Nam.

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải đã ghi nhận và cảm ơn Karpowership về những thông tin chia sẻ. Lãnh đạo EVN cho biết Tập đoàn sẽ tiếp tục xem xét, nghiên cứu về tính khả thi của phương án này.

Gặp EVN, một doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lời mời đột phá: Trung Quốc, Ấn Độ đã tiên phong sử dụng- Ảnh 2.

Ảnh: Karpowership

Theo Credence Research, thị trường tàu chạy bằng LNG nổi có giá trị 805,3 triệu USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 1.076,93 triệu USD vào năm 2032. Tàu LNG nổi cung cấp giải pháp linh hoạt cho những địa điểm xa xôi, khó tiếp cận lưới điện thông thường.

Châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu thị trường với 45% thị phần, được thúc đẩy bởi nhu cầu năng lượng ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia...

Tàu phát điện nổi LNG là một loại hình nhà máy điện được xây dựng và lắp đặt trên một con tàu, sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) làm nhiên liệu chính để sản xuất điện. Thay vì xây dựng một nhà máy điện trên đất liền, công nghệ này cho phép sản xuất điện ngay trên biển hoặc ở các khu vực gần bờ.

Sản phẩm của Karpowership là nhà máy điện nổi được lắp trên tàu hoặc xà lan, tích hợp hoàn toàn. Với công suất linh hoạt từ 30 MW đến 470 MW, chúng có thể được tùy chỉnh hoàn toàn tùy theo yêu cầu của quốc gia chủ nhà và có thể được đưa vào vận hành trong vòng chưa đầy 30 ngày.

Các đặc điểm nổi bật của tàu phát điện nổi LNG

Gặp EVN, một doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lời mời đột phá: Trung Quốc, Ấn Độ đã tiên phong sử dụng- Ảnh 3.

Ảnh: LNGPrime

Nhiên liệu sạch: LNG là khí thiên nhiên được làm lạnh sâu đến khoảng -162°C để chuyển sang thể lỏng, giúp giảm thể tích và dễ dàng vận chuyển. Khi đốt cháy, LNG thải ra lượng khí nhà kính và các chất ô nhiễm khác thấp hơn đáng kể so với than đá hay dầu mỏ, thân thiện hơn với môi trường.

Tính linh hoạt và triển khai nhanh: Do được đóng sẵn và hoạt động trên tàu, các nhà máy điện nổi LNG có thể được di chuyển và lắp đặt nhanh chóng tại các vị trí cần điện, đặc biệt hữu ích cho các khu vực có nhu cầu điện tăng đột biến hoặc hạ tầng lưới điện chưa phát triển.

Không cần kho LNG riêng trên bờ: Tàu thường được trang bị các kho chứa LNG tích hợp, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian xây dựng kho bãi trên đất liền.

Khả năng điều động linh hoạt: Tàu có thể được di chuyển đến các vị trí khác nhau tùy theo nhu cầu thực tế của lưới điện, hoặc khi cần bảo trì, sửa chữa.

Vận hành ổn định: Các tàu này được thiết kế để hoạt động bền bỉ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thậm chí cả khi có bão.

Tóm lại, tàu phát điện nổi LNG là một giải pháp sản xuất điện di động, hiệu quả và thân thiện với môi trường, đặc biệt phù hợp để đáp ứng nhu cầu điện cấp bách hoặc ở các khu vực khó khăn về hạ tầng năng lượng.