
Estonia đã tuyên bố sẵn sàng chặn việc thông qua gói trừng phạt thứ 18 của EU đối với Nga nếu điều khoản về việc hạ giá trần đối với dầu của Nga từ 60 đô la xuống 45 đô la một thùng bị loại khỏi chương trình nghị sự.
Điều này đã được Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna công bố trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình quốc gia ERR vào ngày 9 tháng 7 năm 2025.
"Chúng tôi nói rất rõ ràng rằng việc giảm giá trần dầu Nga phải được đưa vào gói này. Chúng tôi có lập trường rất kiên quyết về vấn đề trên ", ông Tsakhkna nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng điểm này là yếu tố then chốt của gói trừng phạt mới, có thể hạn chế đáng kể thu nhập của Nga từ xuất khẩu năng lượng.
Sáng kiến hạ giá trần ban đầu được Ủy ban châu Âu đề xuất vào tháng 6 năm 2025 bởi bà Ursula von der Leyen. Tuy nhiên ý tưởng này đã gặp phải sự phản đối từ một số nước EU, bao gồm Malta và Hy Lạp, khi họ có các công ty vận tải biển tham gia rất nhiều vào việc vận chuyển dầu của Nga.
Các nước này lo ngại rằng việc hạ giá trần sẽ dẫn đến giá dầu toàn cầu cao hơn, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột leo thang giữa Israel và Iran, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của họ. Hoa Kỳ cũng phản đối việc thắt chặt các hạn chế, viện dẫn những rủi ro đối với thị trường năng lượng toàn cầu.
Bộ trưởng Tsakhkna nhắc lại rằng mức giá trần hiện tại là 60 đô la một thùng, do các nước G7 và EU đặt ra vào ngày 5 tháng 12 năm 2022, đã không được điều chỉnh trong hai năm do thiếu sự đồng thuận.
Mặc dù vậy trong những ngày gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy khối G7 cũng như Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ các biện pháp thắt chặt, bao gồm cả việc hạ thấp giá trần.
“Nếu gói trừng phạt của Mỹ và gói biện pháp hạn chế thứ 18 của EU được thông qua cùng lúc, điều này sẽ gây áp lực nghiêm trọng lên Moskva”, ông Tsakhkna lưu ý.

Gói trừng phạt thứ 18 của Liên minh châu Âu sẽ có cường độ mạnh nhất từ trước tới nay.
Gói trừng phạt thứ 18, ngoài việc hạ giá trần, còn bao gồm lệnh cấm sử dụng cơ sở hạ tầng đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2, cũng như hạn chế 77 tàu được cho là chở dầu của Nga và ngắt kết nối 22 ngân hàng Nga khỏi SWIFT.
Tuy nhiên, việc thông qua gói này trở nên phức tạp do lập trường của không chỉ Estonia mà còn cả Slovakia - quốc gia trước đó đã chặn thảo luận ở cấp đại sứ EU. Thủ tướng Slovakia Robert Fico nhấn mạnh vào các đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước của mình, vốn phụ thuộc vào Nga.
Ngược lại, Nga tiếp tục lách luật giá trần. Theo Neftegaz, vào tháng 9 năm 2024, khoảng 83,8% lượng dầu xuất khẩu của Nga được thực hiện thông qua các tàu chở dầu không phải chịu cơ chế giá trần.
Sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27 tháng 12 năm 2022, được gia hạn đến ngày 30 tháng 6 năm 2025, cấm cung cấp dầu theo các hợp đồng có quy định về giá trần.
Estonia kiên quyết áp dụng gói trừng phạt theo đúng hình thức ban đầu, không có bất kỳ sự nới lỏng nào và đang trông chờ vào sự ủng hộ của các nước lớn trong EU.
Các cuộc thảo luận về gói trừng phạt thứ 18 vẫn tiếp tục tại Brussels. Cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao EU, nơi dự kiến đưa ra quyết định, được lên lịch vào tuần tới.
Tuy nhiên lập trường của Estonia và Slovakia, cũng như những bất đồng trong G7, có thể trì hoãn quá trình này. Các chuyên gia lưu ý rằng lệnh trừng phạt đối với Nga đang trở nên kém hiệu quả hơn vì Moskva kịp thích nghi với các hạn chế bằng cách chuyển hướng xuất khẩu dầu sang châu Á, bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc.