Morgan Stanley: Chính sách thuế của ông Trump có thể mang về 2.700 tỷ USD cho Mỹ trong 10 năm

Chính sách thuế quan dưới thời Tổng thống Donald Trump theo Morgan Stanley có thể đem về cho ngân sách Mỹ khoản thu khổng lồ lên đến 2.700 tỷ USD trong một thập kỷ tới.
Morgan Stanley: Chính sách thuế của ông Trump có thể mang về 2.700 tỷ USD cho Mỹ trong 10 năm- Ảnh 1.

Trong một báo cáo mới đây có tựa đề “Tariff Talk and Dollar Moves”, Monica Guerra – Trưởng bộ phận Chính sách Mỹ tại Morgan Stanley Wealth Management – ví chính sách thuế hiện tại như một “bức tranh mosaic”: mỗi mảnh ghép là một ngành hàng, một đối tác thương mại với những mức thuế khác nhau, tạo nên một tổng thể đa sắc và khó đoán.

Từ thuế đồng loạt đến thuế “đo ni đóng giày”

Thay vì áp dụng một mức thuế chung cho toàn bộ hàng nhập khẩu như thời kỳ đầu nhiệm kỳ, chính quyền của ông Trump hiện theo đuổi chiến lược đánh thuế có chọn lọc – theo từng quốc gia, từng nhóm hàng hóa. Điều này khiến chính sách trở nên phức tạp và tác động đến thị trường theo nhiều cách khác nhau.

Cụ thể, Morgan Stanley cho biết 21% tổng kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ hiện được miễn thuế. Nhưng mức miễn trừ lại rất khác nhau giữa các đối tác: 30% hàng từ EU, tới 64% từ Malaysia được miễn... Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc chịu mức thuế đối ứng lần lượt là 50% và 30%, chủ yếu trong lĩnh vực ô tô và linh kiện.

Việc áp thuế cũng không đồng nhất về thời điểm – có mức áp ngay, có mức bị trì hoãn, hoặc bị thay đổi theo tiến trình đàm phán. “Tác động của chính sách thuế vì thế trở nên khó lường hơn bao giờ hết”, Guerra nhận định.

Kỷ lục thu ngân sách – nhưng đi kèm rủi ro lạm phát

Theo tính toán của Morgan Stanley, nếu duy trì mức thu như hiện tại, Kho bạc Mỹ có thể thu tới 2.700 tỷ USD trong 10 năm tới – một con số chưa từng có tiền lệ. Riêng trong vài tháng đầu năm, doanh thu từ thuế nhập khẩu đã vọt lên trung bình 22,3 tỷ USD/tháng, cao gấp hơn 4 lần mức trung bình 5 tỷ USD trong 5 năm trước đó.

Tuy nhiên, “thu nhiều không có nghĩa là không rủi ro.” Morgan Stanley cảnh báo, đồng USD đã mất giá 10% kể từ đầu năm 2025, trong khi thuế quan leo thang có thể đẩy giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, trực tiếp tạo áp lực lên lạm phát và biên lợi nhuận doanh nghiệp.

Các số liệu thị trường cho thấy kỳ vọng lạm phát 12 tháng tới đã nhích lên mức 3,43%, quay lại ngưỡng hồi tháng 4, thời điểm ông Trump chính thức công bố loạt thuế quan mới trong sự kiện mang tên “Ngày Giải phóng thương mại”.

Ai được hưởng lợi, ai gánh nặng?

Không phải tất cả các ngành đều bị tác động tiêu cực. Các công ty công nghệ – với khoảng 58% doanh thu đến từ nước ngoài – có thể hưởng lợi từ đồng USD yếu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng những công ty phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, lại đang đối mặt với chi phí đầu vào tăng mạnh và rủi ro gián đoạn sản xuất.

“Chính sách thuế hiện tại giống như một mê trận”, Morgan Stanley bình luận. “Nó rất động, rất linh hoạt – và cũng rất bất định”.

Khi cuộc chơi thuế quan bước sang giai đoạn phức tạp hơn, giới đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ đang bước vào một kỷ nguyên mới – nơi ngân sách Nhà nước có thể bội thu, nhưng đổi lại là áp lực ngày càng lớn đè lên vai chính người dân.