Một quốc gia tuyên bố khả năng rút khỏi tổ chức do Nga dẫn đầu, muốn gia nhập EU

Tháng 2/2024, quốc gia này đã tạm ngừng tư cách thành viên liên minh do Nga dẫn dắt

Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan, tuyên bố nước này có khả năng rút hoàn toàn khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu.

“Về câu hỏi có rút khỏi CSTO hay không, tôi có thể nói rằng khả năng Armenia rời tổ chức cao hơn là quay lại tham gia như trước”, ông Pashinyan phát biểu trong cuộc họp báo ngày 16/7. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Armenia thẳng thắn đề cập đến khả năng rút hoàn toàn khỏi CSTO.

Tuyên bố trên đánh dấu bước leo thang mới trong căng thẳng kéo dài giữa Armenia và khối quân sự CSTO bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Tháng 2/2024, Armenia đã chính thức đình chỉ tư cách thành viên CSTO với lý do liên minh này không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đảm bảo an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho Armenia.

Armenia chỉ trích CSTO không hỗ trợ nước này trong cuộc xung đột với Azerbaijan, dẫn tới việc nước này phải trao trả vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Trong khi đó, Nga chỉ ra rằng Armenia từng nhiều lần bác bỏ các đề xuất thỏa hiệp do Nga đưa ra nhằm giải quyết căng thẳng biên giới với Azerbaijan.

Sau khi đình chỉ tư cách thành viên, Armenia đã dừng đóng phí, không tham gia các cuộc tập trận chung và từ chối tiếp nhận các phái bộ của CSTO. Thay vào đó, Yerevan đẩy mạnh hợp tác với phương Tây, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Cũng tại buổi họp báo ngày 16/7, Thủ tướng Pashinyan tái khẳng định mong muốn Armenia trở thành thành viên của EU. Một đạo luật được ký hồi đầu năm cũng thể hiện rõ cam kết này dù ông thừa nhận đây sẽ là “quá trình phức tạp” vì cần sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên EU.

CSTO được thành lập năm 2002 dựa trên hiệp ước năm 1992 giữa một số nước hậu Xô Viết, nhằm tăng cường phối hợp phòng thủ và đảm bảo an ninh tập thể.

Tham khảo: Tass, Armenpress