Theo Công điện số 113/CĐ-TTg mới đây của Thủ tướng về các giải pháp phát triển hiệu quả vận tải đường thủy, tỷ trọng vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa và ven biển có xu hướng ngày càng tăng, đóng góp tích cực vào hoạt động logistics, chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, do phương thức vận tải này chưa thực sự được quan tâm đầu tư, các chính sách phát triển kết cấu hạ tầng vận tải đường thủy chưa tương xứng nên kết cấu hạ tầng vẫn còn bất cập; năng lực đội tàu và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại, tạo động lực mới cho ngành vận tải thủy phát triển nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 ( Net Zero 2050 ), Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật ngành hàng hải, đường thủy, tập trung các chính sách khuyến khích, thu hút xã hội hóa đầu tư hạ tầng, phương tiện vận tải thủy, nguồn nhân lực... hoàn thành trong tháng 9 năm nay.

Cảng Lạch Huyện, TP. Hải Phòng. Ảnh: Lộc Liên.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải cập nhật quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy hoạch cảng biển đảm bảo tính liên thông, đồng bộ với các phương thức vận tải khác. Ưu tiên đầu tư, cải tạo nâng cấp luồng tuyến chính, các cảng bến thủy nội địa, các cảng biển trọng điểm, đặc biệt tại các vùng kinh tế động lực (Bắc Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long); hoàn thành trong tháng 9 năm nay.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng danh mục ưu tiên đầu tư các cảng thủy nội địa, bến cảng biển trên các tuyến sông chính như sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu, Cái Mép - Thị Vải và vùng ven biển, để kêu gọi đầu tư xã hội hóa theo hình thức phù hợp hoặc ưu tiên bố trí vốn đầu tư công một số cảng, bến cảng quan trọng ; hoàn thành trong tháng 9 năm nay
Cơ quan quản lý ngành xây dựng và giao thông vận tải cần xây dựng Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và dịch vụ vận tải đường thủy nội địa giai đoạn 2026 - 2035, làm rõ sự cần thiết, kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để kịp thời đầu tư, phát triển hạ tầng và dịch vụ vận tải đường thuỷ nội địa, báo cáo Thủ tướng trong tháng 10 năm tới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính được giao chỉ đạo bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 cho các dự án trọng điểm phát triển hạ tầng đường thủy, hàng hải. Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi thuế , phí cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải thủy; xem xét cơ chế hỗ trợ vốn vay, tín dụng ưu đãi cho đầu tư đóng tàu mới, cải hoán phương tiện vận tải thủy phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường, giảm phát thải.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, cập nhật quy hoạch sử dụng đất và bố trí quỹ đất phục vụ xây dựng cảng thủy nội địa, bến cảng biển theo quy hoạch; tích hợp quy hoạch trung tâm logistics, kho bãi, trung tâm phân phối hàng hóa gắn với vận tải thủy nội địa,...hoàn thành trong tháng 9 tới.
"Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ liên quan khác chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên thúc đẩy phát triển vận tải thủy. Định kỳ hằng quý (trước ngày 25 của tháng cuối quý) gửi kết quả thực hiện về Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trước ngày 30 của tháng cuối quý", công điện của Thủ tướng nêu rõ.