Bài học ‘vua chứng khoán’ Trung Quốc mất sạch 4,3 tỷ USD vì lòng thù hận, từ đứa trẻ nghèo thành đại gia rồi cuối cùng thành tử tù

Chuyện đời của vị tỷ phú này trở thành bài học kinh điển cho giới doanh nhân.
Bài học ‘vua chứng khoán’ Trung Quốc mất sạch 4,3 tỷ USD vì lòng thù hận, từ đứa trẻ nghèo thành đại gia rồi cuối cùng thành tử tù- Ảnh 1.

Trong lịch sử kinh doanh đầy biến động của Trung Quốc, câu chuyện về Viên Bảo Cảnh (Yuan Baojing) vẫn luôn là một bi kịch gây chấn động, một lời cảnh tỉnh đanh thép về sức mạnh hủy diệt của lòng tham.

Từ một cậu bé nghèo khó ở vùng quê Liêu Ninh, ông đã vươn lên thành một tỷ phú "huyền thoại" với khối tài sản khổng lồ, nhưng rồi lại tự tay đẩy mình xuống vực thẳm tội lỗi, kết thúc cuộc đời bằng án tử hình – một cái giá quá đắt cho những sai lầm.

Sói già chứng khoán

Trong thập niên 1990, giữa thời kỳ Trung Quốc chuyển mình sang nền kinh tế thị trường, một cái tên nổi bật đã khiến giới tài chính dõi theo với sự nể phục lẫn hoài nghi: Viên Bảo Cảnh (Yuan Baojing) – một doanh nhân trẻ, quyết đoán và không ít lần bị gọi là "con sói già trên sàn chứng khoán".

Bài học ‘vua chứng khoán’ Trung Quốc mất sạch 4,3 tỷ USD vì lòng thù hận, từ đứa trẻ nghèo thành đại gia rồi cuối cùng thành tử tù- Ảnh 2.

Viên Bảo Cảnh sinh năm 1966 tại tỉnh Liêu Ninh trong một gia đình nông dân nghèo khó, nơi bữa ăn hàng ngày là nỗi lo thường trực. Chính hoàn cảnh thiếu thốn đã hun đúc trong ông một ý chí kiên cường và khát khao đổi đời mãnh liệt.

Vượt qua mọi khó khăn, ông xuất sắc thi đỗ vào Đại học Chính pháp Trung Quốc. Thời sinh viên, Viên Bảo Cảnh không ngại làm đủ nghề, từ chép bản thảo thuê đến bốc vác, chỉ để có tiền trang trải học phí và sinh hoạt.

Năm 1989, sau khi tốt nghiệp, ông nhận được "bát cơm vàng" tại một ngân hàng nhà nước – vị trí mà nhiều người ao ước thời bấy giờ. Thế nhưng, chỉ ba năm sau, khát vọng làm giàu đã thôi thúc ông từ bỏ công việc ổn định để dấn thân vào thương trường với hai bàn tay trắng và 20 vạn Nhân dân tệ (NDT) vay mượn.

Quyết định thành lập công ty buôn nông sản ở Bắc Kinh của ông bị nhiều người chế giễu là "bỏ bát cơm vàng đi bán khoai".

Tuy nhiên chỉ trong vòng sáu tháng, Viên Bảo Cảnh đã chứng minh tầm nhìn của mình bằng lợi nhuận hơn 2 triệu tệ, mở ra một con đường làm giàu trải đầy "thảm đỏ". Ông nhanh chóng ghi dấu ấn với dự án trồng giống "lúa mì đen nhỏ", một loại cây trồng mới giúp ông thu về hàng triệu chỉ sau 6 tháng.

Dẫu vậy nông nghiệp chỉ là bước đệm, Viên lao vào thị trường chứng khoán khi nó còn mơ hồ và dễ biến động, thâu tóm các "vỏ công ty" – doanh nghiệp sắp phá sản hoặc đang cổ phần hóa, rồi tái cấu trúc, khuếch trương giá cổ phiếu và bán ra kiếm lời.

Với tầm nhìn sắc bén và sự quyết đoán, Tập đoàn Kiện Hạo (Jianhao Group) của Viên Bảo Cảnh đã nắm quyền kiểm soát hơn 60 công ty, đưa tổng tài sản cá nhân lên hơn 30 tỷ NDT (gần 4,3 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại).

Viên Bảo Cảnh được truyền thông ca ngợi là "ông vua thâu tóm" hay "doanh nhân kiểu mẫu" của Trung Quốc trong giai đoạn cải cách. Ông trở thành một trong những tỷ phú trẻ nhất và quyền lực nhất Trung Quốc trước tuổi 40, đồng thời còn được biết đến với lòng hảo tâm khi lập quỹ học bổng giúp đỡ hàng nghìn học sinh nghèo.

Bài học ‘vua chứng khoán’ Trung Quốc mất sạch 4,3 tỷ USD vì lòng thù hận, từ đứa trẻ nghèo thành đại gia rồi cuối cùng thành tử tù- Ảnh 3.

Vòng xoáy tội lỗi

Đứng trên đỉnh cao danh vọng và quyền lực, ít ai ngờ rằng Viên Bảo Cảnh lại bắt đầu một vết trượt dài dẫn đến bi kịch. Năm 1996, một khoản đầu tư lớn vào thị trường hàng hóa kỳ hạn ở Thành Đô thất bại, khiến ông thiệt hại hơn 90 triệu NDT.

Viên Bảo Cảnh tin rằng mình bị doanh nhân Lưu Hán, một đối thủ kinh doanh máu mặt có liên hệ ngầm với xã hội đen, gài bẫy.

Lòng thù hận đã khiến ông đưa ra một quyết định tồi tệ: thuê người em thân thiết Vương Hưng ám sát Lưu Hán. Kế hoạch bất thành, nhưng bí mật này lại trở thành con dao hai lưỡi.

Vương Hưng sau đó quay sang tống tiền Viên Bảo Cảnh, đẩy ông vào thế bí. Lo sợ bị lật tẩy, thay vì tìm đến pháp luật, Viên Bảo Cảnh lại chọn con đường tội lỗi hơn: ông ra lệnh sát hại chính Vương Hưng.

Vụ án mạng của Vương Hưng cuối cùng đã phơi bày toàn bộ âm mưu đen tối. Khi cơ quan chức năng điều tra mở rộng, mọi bằng chứng đều hướng về Viên Bảo Cảnh là kẻ chủ mưu trong đường dây giết người.

Từ một "doanh nhân huyền thoại", ông chính thức trở thành "bị cáo giết người có tổ chức", gây chấn động cả Trung Quốc.

Năm 2003, Viên bị bắt giữ. Tòa án xác định ông là chủ mưu trong vụ giết người có tổ chức, động cơ vì tư thù và lo ngại bị phản bội. Bất chấp danh tiếng từng là người sáng lập quỹ học bổng giúp sinh viên nghèo, Viên không tránh khỏi sự nghiêm khắc của pháp luật.

Bài học ‘vua chứng khoán’ Trung Quốc mất sạch 4,3 tỷ USD vì lòng thù hận, từ đứa trẻ nghèo thành đại gia rồi cuối cùng thành tử tù- Ảnh 4.

Bài học ‘vua chứng khoán’ Trung Quốc mất sạch 4,3 tỷ USD vì lòng thù hận, từ đứa trẻ nghèo thành đại gia rồi cuối cùng thành tử tù- Ảnh 5.

Bài học ‘vua chứng khoán’ Trung Quốc mất sạch 4,3 tỷ USD vì lòng thù hận, từ đứa trẻ nghèo thành đại gia rồi cuối cùng thành tử tù- Ảnh 6.

Trước tòa, mọi lời biện minh đều trở nên vô nghĩa khi bằng chứng buộc tội ông quá rõ ràng.

Khi bị tuyên án tử hình, Viên Bảo Cảnh và gia đình đã đưa ra một đề nghị gây sốc: chuyển nhượng quyền sở hữu mỏ dầu trị giá khoảng 49,5 tỷ NDT (tương đương hàng tỷ USD) ở Indonesia cho chính phủ để xin được giảm nhẹ tội. Đề nghị này đã gây ra tranh cãi lớn và khiến án tử hình của ông bị hoãn trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố đanh thép: "Không ai có thể dùng tiền để xóa tội giết người".

Vào ngày 17 tháng 3 năm 2006, Viên Bảo Cảnh chính thức bị thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc tại Liêu Dương, cùng với hai người em trai của mình là Viên Bảo Kì và Viên Bảo Sâm vì liên quan đến vụ án. Ông trở thành tỷ phú đầu tiên của Trung Quốc phải chịu án tử hình vì tội giết người.

Câu chuyện về Viên Bảo Cảnh vẫn thường được nhắc lại ở Trung Quốc như một bài học cảnh tỉnh sâu sắc. Nó là minh chứng rõ ràng cho việc: dù có xuất thân nghèo khó hay tài năng phi thường đến đâu, khi lòng tham lấn át lý trí và đẩy con người vào vòng xoáy tội lỗi, mọi hào quang đều có thể sụp đổ trong chớp mắt. Và quan trọng hơn cả, không có số tiền nào, dù là hàng tỷ USD, đủ lớn để mua chuộc công lý.

Ngày nay, câu chuyện về Viên vẫn được nhắc đến trong nhiều lớp đào tạo doanh nhân tại Trung Quốc như một bài học đạo đức kinh điển. Ông không phải người duy nhất vươn lên từ khó khăn, nhưng là một trong số ít người tự phá hủy tất cả vì nghĩ rằng tiền có thể mua mọi thứ, kể cả mạng người.

*Nguồn: Tân Hoa Xã, Beijing News, Caixin, South China Morning Post.