Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) sáng 26/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, một số đại biểu Quốc hội đã có ý kiến về vấn đề liên quan đến đề nghị của Chính phủ về nâng dự phòng ngân sách Trung ương từ 4% lên 5%.
Theo ông Thắng, việc nâng từ 4% lên 5% không có nghĩa là phải trích đầy đủ 4%, hay trích đầy đủ 5%. "Chúng ta dự phòng thêm 1% để khi có nhu cầu đột xuất thì có thể bố trí nguồn này để thực hiện việc phân bổ, vì nếu không tăng thì sẽ có những lúc bị vướng", ông Thắng nói.
Trong những năm gần đây, 100% nguồn phân bổ vào dự phòng đều được chi hết, không có lãng phí, không để lại, trong thời gian vừa qua đã phát sinh trường hợp thực tế và triển khai bị vướng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Media Quốc hội).
Bộ trưởng cho biết, vừa rồi Bộ Chính trị chỉ đạo phải tăng thêm 1% chi cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tức là thêm 25.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu cho Chính phủ tìm nguồn để bố trí đủ 25.000 tỷ đồng, trong lúc chờ các địa phương, các bộ, ngành đề xuất để phân bổ dự toán thì phải đưa vào dự phòng.
"Khi các địa phương, các bộ, ngành trình thì mới phân bổ từ đó ra, tức là chúng ta phải đưa vào đâu đó. Chính phủ tính là đưa vào dự phòng nhưng đưa vào dự phòng thì hết dư địa, chỉ đưa được khoảng tối đa không quá 9.000 tỷ đồng, còn 16.000 tỷ đồng nữa. Trong khi đó, theo yêu cầu Trung ương là dứt khoát phải bố trí, bởi vì nếu không bố trí mà khi phát sinh nhu cầu thì chúng ta không chi được", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, vừa rồi rất nhiều trường hợp chi đột xuất và sắp tới cũng sẽ tiếp tục có những trường hợp đột xuất, không thể không nâng mức dự phòng này lên.
"Chính vì thế, Chính phủ đề nghị nâng thêm 1%, không phải chúng ta bỏ tiền vào đó để lãng phí, chúng ta đang rất thiếu tiền", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ảnh: Media Quốc hội).
Trước đó trong phần thảo luận, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cho biết, dự thảo Luật quy định mức bố trí dự phòng là từ 2% đến 5%, trong khi luật hiện hành quy định là 2% đến 4%.
Đại biểu Thanh cho rằng, xét về mặt tích cực khi tăng dự phòng sẽ giúp tăng khả năng ứng phó với các tình huống bất ngờ, giúp chủ động trong xử lý các tình huống khẩn cấp, ổn định ngân sách và một nguồn dự phòng lớn sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, cũng cần xem xét kỹ lưỡng mặt tiêu cực tiềm ẩn của việc tăng tỉ lệ dự phòng ngân sách đó là sẽ làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, việc tăng tỉ lệ dự phòng đồng nghĩa với việc giảm tỉ lệ chi cho các hoạt động khác gồm cả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Hay đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho biết, dự phòng ngân sách hằng năm, đặc biệt dịch Covid-19 dùng còn thiếu, nhưng không phải dự phòng ngân sách là lúc nào cũng có có thiên tai, dịch họa, quy định 2% đến 4% có khi còn chi không hết. Bây giờ lại quy định thêm trần là 5%, dự phòng ngân sách chỉ cần 1% là số tiền đã rất lớn. Do đó, đại biểu Hoà đề nghị giữ theo mức hiện hành là 2 đến 4%.
Tăng trần nợ vay cho các địa phương đã được tính toán kỹ
Liên quan đến tăng trần nợ vay cho các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Bộ Tài chính đã nghiên cứu rất kỹ.
"Hiện nay mức trần nợ công Quốc hội đang cho phép là 60% và thực tế đến hết năm 2024 chúng ta mới sử dụng có 34,7% GDP. Cho nên việc điều chỉnh mức dư nợ của ngân sách địa phương cũng đã được đánh giá kỹ lưỡng và trên cơ sở tương quan với chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021-2025", ông Thắng nhấn mạnh.
Đồng ý với ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định, đi cùng với việc nâng trần nợ công phải kiểm soát được 2 vấn đề rất lớn.
Thứ nhất là kiểm soát trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Thứ hai là vấn đề chất lượng vay, chất lượng các dự án. Bộ trưởng khẳng định những khoản vay của địa phương cũng phải hiệu quả về kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo hiệu quả về tài chính.