30 năm trước, ngày 11/7/1995, khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, có lẽ ít ai có thể hình dung rằng hai quốc gia từng là cựu thù, ở hai bên chiến tuyến sẽ không chỉ hàn gắn vết thương chiến tranh mà còn trở thành bạn, thành đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực quan trọng, từ kinh tế, quốc phòng đến công nghệ cao.
Chặng đường từ đối đầu cay đắng đến hợp tác bền chặt là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng không kém phần ngoạn mục của quan hệ Việt - Mỹ. Hai bên từ chỗ "rất xa nhau" đã tìm thấy nhau, cùng vượt qua khác biệt, nhân lên những điểm đồng, hòa giải và từng bước xây dựng lòng tin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp và thành viên đội biệt kích Con Nai, năm 1945.
Ngày 29/8/1945, tại nhà số 48 phố Hàng Ngang, Archimedes L.A.Patti (Trưởng phòng Đông Dương của cơ quan tình báo chiến lược OSS ở Hoa Nam) là người nước ngoài duy nhất được Hồ Chí Minh mời nghe dự thảo bản Tuyên ngôn Độc Lập và trao đổi về một số chủ trương, kế hoạch tương lai của Việt Nam. Trong đó có việc tổ chức ngày Lễ tuyên bố Độc lập của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.
Không những vậy, L.A.Patti là một trong số ít người nước ngoài được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự lễ công bố Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Trong buổi lễ trang trọng, thiêng liêng nhất của quốc gia, trên khán đài nổi bật khẩu hiệu "Hoan nghênh phái đoàn Mỹ".
Cho nên không phải ngẫu nhiên, những dòng đầu tiên bản Tuyên ngôn Độc lập của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trích từ nội dung tinh túy nhất trong Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Sau khi tuyên bố độc lập, tình hình nước ta cực kỳ phức tạp và hết sức nguy nan. Muốn bảo vệ nền độc lập vừa giành được, chính quyền cách mạng non trẻ phải dựa vào sức mạnh của toàn dân, đồng thời còn cần được các cường quốc dân chủ trên thế giới thừa nhận và hậu thuẫn.
Để giải quyết vấn đề hết sức quan trọng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt kỳ vọng ở Mỹ - cường quốc đồng minh giàu mạnh nhất đã nhiều lần tuyên bố không cho phép Pháp lập lại ách thống trị thực dân và đã có quan hệ tốt đẹp với Việt Minh trong chiến tranh chống phát xít.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động liên hệ với một số nhân vật có tầm ảnh hưởng đối với Chính phủ Mỹ để chuyển thành ý của Chính phủ Việt Nam đồng thời trực tiếp gửi thư đến Tổng thống Mỹ và các chính khách nước Mỹ để tìm kiếm sự ủng hộ của nước Mỹ đối với nền độc lập và chính quyền cách mạng còn non trẻ của Việt Nam.
Trong thư gửi Tổng thống Harry Truman, ngày 18/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Nhân dân Việt Nam hy vọng một cách nghiêm túc sự giúp đỡ to lớn của Chính phủ Mỹ đối với chúng tôi trong cuộc đấu tranh giành độc lập hoàn toàn và xây dựng lại đất nước". Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có thư gửi Tổng thống Truman bày tỏ mong muốn được hợp tác toàn diện với Mỹ: "Cũng như Philippines, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới".

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman, ngày 16/2/1946.
Chỉ sau hơn 1 năm đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần gửi thông điệp, thư, điện cho Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, giới thiệu tình hình Đông Dương, đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Việt Nam, góp phần ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược do thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương. Qua đó cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dốc tâm tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ đối với nền độc lập non trẻ của Việt Nam và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.
Tiếc rằng, chính giới Mỹ đã không đáp lại tấm thịnh tình và nguyện vọng chính đáng đó và lịch sử đã rẽ sang một hướng khác đầy chông gai. Mỹ đã tiếp tay cho thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam. Sau khi Pháp thua trận, Mỹ trực tiếp can dự, đưa quân xâm lược Việt Nam (1954 - 1975). Tiếp đến là thời kỳ Mỹ thực hiện bao vây, cấm vận toàn diện Việt Nam. Đó là chương bi thương nhất trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ.

Sự kiện này trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển quan hệ hai nước và là một đóng góp đáng kể với tiến trình hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai quốc gia, hai dân tộc từng đối đầu trực tiếp trong cuộc chiến tranh mang đậm dấu ấn của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tháng 2/2019.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng, câu chuyện của quan hệ Việt - Mỹ có thể nói là một hành trình hiếm có trong quan hệ quốc tế. Đối với Việt Nam, đây là kết quả của đường lối đối ngoại nhất quán: độc lập, tự chủ, đa phương hóa, hội nhập sâu rộng vì hòa bình và phát triển.
Quan hệ Việt Nam – Mỹ phát triển vì hai bên đã xây dựng được lòng tin, chia sẻ lợi ích chiến lược và cùng cam kết hợp tác thực chất, dựa trên bốn yếu tố nổi bật.
Thứ nhất, là tầm nhìn và quyết tâm chính trị từ lãnh đạo hai nước. Thứ hai, là nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt là tôn trọng độc lập, chủ quyền và thể chế chính trị của mỗi bên. Thứ ba, là nỗ lực chung trong khắc phục hậu quả chiến tranh như tẩy độc, rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, tìm kiếm người mất tích - những việc làm có giá trị nhân đạo sâu sắc. Và thứ tư, là động lực mạnh mẽ từ hợp tác kinh tế – thương mại, với kim ngạch tăng hơn 200 lần trong 30 năm. Điều đó đã đưa Việt Nam trở thành đối tác hàng đầu của Mỹ tại ASEAN.
Là người chứng kiến những bước phát triển của quan hệ hai nước, Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ cho rằng có được thành tựu trên trong 30 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, không phải là một sự ngẫu nhiên mà đó là kết quả của sự nỗ lực và quyết tâm rất cao của nhân dân và Chính phủ cả hai nước.
Trước hết là nỗ lực nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, tăng cường hiểu biết, hòa giải và xây dựng lòng tin. Đó là việc xây dựng các mối quan hệ dựa trên bình đẳng, công bằng, cùng có lợi và đan xen lợi ích với nhau. Và đó cũng là việc đối thoại vượt qua các khác biệt, nhân lên các điểm đồng và thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.
"30 năm không phải là dài nếu so với lịch sử bang giao giữa các dân tộc, nhưng điều đáng mừng là chỉ trong thời khoảng thời gian ngắn đó, quan hệ Việt – Mỹ đã đạt được nhiều bước tiến hết sức ấn tượng mà không phải mối quan hệ nào cũng đạt được", ông Vinh chia sẻ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, tháng 9/2023.
Từ những nghi kỵ và khác biệt sâu sắc, hai nước đã kiên trì đối thoại, hợp tác thực chất, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề hậu quả chiến tranh – yếu tố then chốt xây dựng lòng tin và cùng nhau vượt qua những trở ngại để đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện không chỉ là thành quả của quá khứ mà còn là cam kết mạnh mẽ cho tương lai.
Bên cạnh những cơ hội rộng mở, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song có lẽ đó luôn là cách mà quan hệ Việt - Mỹ đã vượt qua trong suốt 30 năm vừa qua.
Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự ủng hộ của người dân và nền tảng vững chắc được xây dựng trong ba thập kỷ, mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi, hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất và bền vững, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Thực hiện: MẠNH QUỐC
Thiết kế: QUỲNH CHI
NGUOIDUATIN.VN | THỨ 6, 11/7/2025 |