Suốt hàng triệu năm qua, khí quyển Trái Đất chưa bao giờ chứa nhiều CO₂ như hiện tại

Một kỷ lục mới đã được thiết lập. Hàng loạt nỗi lo mới hiện hình.
Suốt hàng triệu năm qua, khí quyển Trái Đất chưa bao giờ chứa nhiều CO₂ như hiện tại- Ảnh 1.

Một tòa nhà bị che mờ vào buổi sáng tại quận Faridabad, bang Haryana của Ấn Độ vào ngày 26 tháng 4 - Ảnh: Vijay Mathur/Getty Images.

Lần đầu tiên trong lịch sử đo đạc khí hậu hiện đại, nồng độ trung bình toàn cầu của carbon dioxide trong khí quyển đã vượt qua mốc 430 phần triệu (ppm) vào tháng 5 năm nay. Đây là mức cao nhất trong hàng triệu, có thể là hàng chục triệu năm qua, gióng lên hồi chuông cảnh báo rõ ràng về tốc độ biến đổi khí hậu đang vượt khỏi khả năng kiểm soát của loài người.

“Thêm một năm, thêm một kỷ lục nữa. Thật buồn,” giáo sư Ralph Keeling thuộc Viện Hải dương học Scripps (ĐH California, San Diego), chuyên ngành khoa học khí hậu, hóa học biển và địa hóa học, phát biểu trong một thông cáo báo chí. Ông là người kế thừa công trình của cha mình, ông Charles David Keeling, người đã khởi xướng biểu đồ nổi tiếng “Keeling Curve” từ năm 1958, ghi lại xu hướng tăng chóng mặt của CO₂ trong khí quyển.

Các phép đo từ Scripps và NOAA cho thấy nồng độ CO₂ hiện đạt lần lượt 430,2 ppm và 430,5 ppm, tăng hơn 3 ppm so với năm ngoái. Mức tăng này một lần nữa phản ánh sự thiếu hiệu quả của các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Cách đây vài thập kỷ, việc vượt ngưỡng 400 ppm từng là điều khó tưởng tượng. Điều đó đồng nghĩa với việc, trong mỗi triệu phân tử khí trong khí quyển, có hơn 400 phân tử CO₂. Trái Đất chạm đến cột mốc ảm đạm này vào năm 2013. Giờ đây, các nhà khoa học cảnh báo rằng mức CO₂ có thể đạt 500 ppm trong vòng 30 năm tới.

Thực tế, mức CO₂ hiện tại tương đương với thời điểm hơn 30 triệu năm trước, khi loài người chưa tồn tại và Trái Đất sở hữu một khí hậu toàn cầu hoàn toàn khác biệt. Kể từ Cách mạng Công nghiệp, lượng CO₂ tăng phi mã do đốt nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động kinh tế, đẩy Trái Đất vào một quỹ đạo nóng lên không thể đảo ngược nếu không có hành động quyết liệt.

Với những gì đang diễn ra, các nhà khoa học cảnh báo rằng chúng ta có thể chạm mốc 500 ppm trong vòng 30 năm tới, một viễn cảnh đầy rủi ro cho cả tự nhiên và nền văn minh con người. Những phép đo đơn giản đang kể lại một câu chuyện phức tạp: hành tinh của chúng ta đang lâm bệnh, và triệu chứng ngày một trầm trọng.